Chắc hẳn không ít bố mẹ từng rưng rưng xúc động khi nghe tiếng bập bẹ đầu tiên từ con. Một vài âm ngắn ngủi thôi, nhưng chứa đựng bao nhiêu yêu thương, nỗ lực và kỳ vọng. Đằng sau mỗi tiếng ngọt ngào ấy là cả một quá trình phát triển, mà việc hỗ trợ kỹ năng nói chuyện cho trẻ từ sớm đóng vai trò rất quan trọng giúp các con thể hiện “tiếng nói” ấy một cách rõ ràng, tự nhiên và tự tin hơn mỗi ngày.
Khi nào trẻ bắt đầu tập nói?
Từ 0 – 6 tháng: Trẻ ê a, phát ra âm thanh khác nhau để phản ứng với tiếng động, giọng nói.
6 – 12 tháng: Bắt đầu bập bẹ những tiếng như “ba”, “ma”, “măm”, biết dùng giọng điệu để thể hiện cảm xúc.
12 – 18 tháng: Nói được một số từ đơn giản và có thể hiểu một số từ quen thuộc.
18 – 36 tháng: Vốn từ tăng nhanh, trẻ bắt đầu xâu chuỗi từ thành câu ngắn. Đây là “giai đoạn vàng” để phát triển kỹ năng nói.
Không nên quá lo lắng nếu con bạn nói muộn hơn một chút, mỗi bé phát triển ngôn ngữ theo một tốc độ riêng. Điều quan trọng là cách bạn hỗ trợ và đồng hành cùng con trong quá trình ấy.
5 cách đơn giản mà hiệu quả để phát triển kỹ năng nói chuyện cho trẻ
Bồi dưỡng ngôn ngữ cho con mỗi ngày
Nghe có vẻ hơi lạ đúng, nhưng thực tế là trẻ con như một miếng bọt biển, chúng hấp thụ ngôn ngữ từ môi trường xung quanh một cách tự nhiên. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường ngôn ngữ phong phú là vô cùng quan trọng.
Đừng nghĩ con còn bé thì không hiểu. Hãy trò chuyện với con về tất cả mọi thứ từ đồ chơi con đang cầm, bữa ăn con đang ăn, đến những gì bạn đang làm. Ví dụ: "Con đang chơi với ô tô màu đỏ nè. Cái bánh này ngon quá, con nhỉ?".
Ngoài ra bạn có thể đọc sách cho con nghe, đây là một cách tuyệt vời để con tiếp xúc với ngôn ngữ phong phú, ngữ điệu đa dạng và mở rộng vốn từ vựng.
Luôn nghe con nói dù chỉ là những âm thanh bập bẹ
Hãy bỏ điện thoại xuống, nhìn vào mắt con và lắng nghe những gì con muốn diễn đạt, dù đó chỉ là những âm thanh chưa rõ ràng.
Khi con chỉ tay vào một đồ vật, thay vì vội vàng đưa cho con, hãy khuyến khích con nói ra từ đó. Ví dụ: "Con muốn lấy cái gì vậy? Con nói cho mẹ nghe đi".
Khi con nói một từ hoặc một câu, hãy đáp lại bằng một câu hoàn chỉnh hơn. Ví dụ, nếu con nói "bóng", bạn có thể nói "Đúng rồi, đây là quả bóng màu xanh".
Đừng ngắt lời hoặc cố gắng sửa lỗi sai của con ngay lập tức. Hãy để con có thời gian để diễn đạt ý của mình.
Biến mọi hoạt động thành cơ hội tập nói cho con
Không cần phải có những bài học cao siêu, những hoạt động thường ngày cũng có thể trở thành những buổi học nói thú vị để con có thể tập luyện.
Chơi trò chơi đóng vai là một cách tuyệt vời để khuyến khích con sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo. Hãy cùng con hóa thân thành các nhân vật trong truyện hoặc đơn giản là chơi trò chơi.
Hát những bài hát thiếu nhi có giai điệu vui tươi, lời ca đơn giản sẽ giúp con làm quen với âm điệu và nhịp điệu của ngôn ngữ.
Kể chuyện và đặt câu hỏi để khuyến khích con suy nghĩ và diễn đạt ý kiến của mình. Ví dụ: "Con thích nhân vật nào nhất?", "Tại sao con lại thích nhân vật đó?".
Khi dạy con một từ mới, hãy sử dụng hình ảnh hoặc đồ vật thật để con dễ hình dung và ghi nhớ.
Tạo không khí vui vẻ và thoải mái
Áp lực hoặc sự căng thẳng có thể khiến con cảm thấy e ngại khi nói. Vì vậy ba mẹ hãy tạo ra một môi trường giao tiếp thoải mái và vui vẻ để con tự tin thể hiện bản thân.
Mỗi khi con cố gắng nói, dù chỉ là một từ đơn giản, hãy dành cho con những lời khen ngợi và sự động viên. Điều này sẽ giúp con cảm thấy có động lực hơn.
Vì mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển ngôn ngữ khác nhau, ba mẹ không nên so sánh con với những đứa trẻ khác, việc so sánh chỉ khiến con cảm thấy tự ti và áp lực.
Dành thời gian chơi cùng con không chỉ giúp gắn kết tình cảm mà còn tạo ra nhiều cơ hội để giao tiếp và trò chuyện.
Những cử chỉ âu yếm, những lời nói yêu thương sẽ giúp con cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi giao tiếp.
Hạn chế cho con chơi thiết bị điện tử
Nhiều bố mẹ bận rộn, nên thường đưa cho con điện thoại để xem. Nhưng thực tế, trẻ học nói tốt nhất qua giao tiếp hai chiều, tức là có sự phản hồi qua lại. Màn hình có thể thu hút sự chú ý của con nhưng lại hạn chế cơ hội tương tác và giao tiếp thực tế. Hãy dành ít nhất 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày để chơi cùng con, trò chuyện, kể chuyện cùng nhau.
Hành trình phát triển ngôn ngữ của con là một quá trình thú vị và đầy bất ngờ. Sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự đồng hành của bố mẹ là phương pháp tốt nhất giúp con tự tin nói chuyện và khám phá thế giới xung quanh. Blog cùng bé yêu vui chơi hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ là những hành trang hữu ích cho các bố mẹ trên con đường nuôi dạy con yêu.
Nhận xét
Đăng nhận xét